Kiểm tra đường máu ngón tay

Tiểu đường type 1 chỉ cần tiêm 1 tháng/lần

Chưa có một loại thuốc điều trị tiểu đường nào giữ được tác dụng quá 2 tuần cho một lần tiêm.

Mắc tiểu đường mà không điều trị có được không? Câu trả lời là: Không. Bỏ mặc nồng độ glucose cao trong máu sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, bao gồm: mù lòa, bệnh thận, bệnh tim, đột quỵ, hoại tử và phải cắt cụt chi dưới. Bởi vậy, tuân thủ một phác đồ điều trị tiểu đường khi đã bị bệnh là điều tối quan trọng. Tuy nhiên, một nghịch lý là ngày nay chúng ta có rất nhiều cách để quản lý glucose trong máu, nhưng người bệnh thì vẫn gặp khó khăn trong việc kiểm soát tình trạng của mình. Bởi các loại thuốc đều chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, bệnh nhân phải mất thời gian tính toán, sử dụng chúng theo từng ngày một, thậm chí từng giờ. Họ như bị “giam cầm” trong một phác đồ điều trị, mỗi ngày và suốt đời.

Nghiên cứu để tìm ra những loại thuốc phục vụ phác đồ điều trị tiểu đường “thoáng” hơn, vì vậy, đang trở thành một xu hướng. Mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Duke, Hoa Kỳ cho biết đã tìm ra cách kéo dài tác dụng của một liều thuốc tiểu đường, từ vài ngày lên thành 1 tháng. Nếu được thử nghiệm thành công, ý tưởng về loại thuốc như vậy có thể giúp người bệnh tiểu đường có một cuộc sống bình thường hơn rất nhiều.

Kiểm tra đường máu ngón tay

Thuốc trị tiểu đường chỉ cần 1 lần tiêm mỗi tháng sẽ giúp người bệnh thoải mái hơn

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Biomedical Engineering, đề cập đến một loại thuốc tiểu đường được gọi là đồng vận thụ thể GLP1 (glucagon-like peptide-1). GLP1 là một hooc-môn, ở dạng tự nhiên, nó được tiết ra từ hồi tràng và đại tràng sau khi chúng ta ăn uống. GLP1 kích thích tụy tiết insulin, kiểm soát glucose máu sau ăn. Nó cũng giúp cải thiện sự nhạy cảm của tụy đối với glucose, thúc đẩy tăng sinh tế bào bêta và giảm quá trình chết của tế bào bêta tụy. Tất cả các hiệu quả này đều tốt cho người bệnh tiểu đường.

Tiềm năng trị liệu của GLP1 rất được chú ý bởi nó chỉ làm tăng tiết insulin trong trường hợp có tăng glucose máu. Bởi vậy, thuốc không gây hạ đường huyết quá mức và cần tính toán liều so với các loại khác. Lý tưởng là vậy, nhưng ngày nay thuốc đồng vận thụ thể GLP1 được sử dụng khá hạn chế bởi một nhược điểm. Nó có thời gian bán hủy ngắn, nghĩa là sẽ tan rất nhanh trong cơ thể. Bởi vậy, hiệu quả điều trị thông qua khả năng ảnh hưởng insulin của GLP1 không kéo dài. Loại thuốc GLP1 tốt nhất hiện nay cũng chỉ có thể kéo dài hiệu lực từ 3-7 ngày. Điều đó có nghĩa là bệnh nhân tiểu đường phải tiêm thuốc ít nhất là một tuần mỗi lần, với giá thành đắt đỏ và lãng phí.

Bây giờ, nghiên cứu mới các nhà khoa học từ Đại học Duke sẽ giải quyết nhược điểm đó của GLP1. Họ đã tìm ra cách kết hợp GLP1 với một phân tử sinh học. Phân tử này có một điểm nhạy nhiệt độ trùng với nhiệt độ của cơ thể. Khi được giữ ở nhiệt độ phòng, thuốc chứa GLP1 cùng phân tử sinh học sẽ tồn tại ở dạng lỏng và dễ dàng được tiêm qua da. Nhưng ngay khi tiêm xong, thân nhiệt bên trong cơ thể sẽ biến thuốc trở thành một dạng gel giải phóng rất chậm và đều. Ở dạng này, GLP1 có thể tăng gấp đôi thời gian tác dụng trong một liều.

Phụ kiện của người mắc bệnh tiểu đường type 1

Có lẽ chỉ cần 1 lần tiêm mỗi tháng là bệnh nhân có thể kiểm soát được tình trạng của mình

Để kiểm tra giải pháp mới có thực sự khả thi hay không, các nhà khoa học đã tiêm thuốc cho những con chuột và khỉ bị tiểu đường. Kết quả ở chuột, GLP1 dạng mới đã kiểm soát tốt lượng glucose trong máu đến 10 ngày sau khi tiêm. Ở khỉ, hiệu quả kéo dài tới 17 ngày. Trong so sánh hiện nay, chưa có một loại thuốc điều trị tiểu đường nào giữ được tác dụng quá 2 tuần cho một lần tiêm. Bởi vậy, nhóm nghiên cứu rất lạc quan về phát hiện lần này của mình. Các tác giả cho rằng quá trình trao đổi chất ở người chậm hơn khỉ, nên về mặt lý thuyết, chúng ta có quyền hi vọng loại thuốc mới sẽ có tác dụng kéo dài hơn nữa trên người. Có lẽ chỉ cần 1 lần tiêm mỗi tháng là bệnh nhân có thể kiểm soát được tình trạng của mình.

Dữ liệu tiền lâm sàng đã chỉ ra bằng chứng thuyết phục rằng loại thuốc này sẽ không yêu cầu quá 2 lần tiêm mỗi tháng với con người, thậm chí có thể chỉ là một lần mỗi tháng”, các tác giả viết trong nghiên cứu.

Họ cũng gợi ý rằng phương pháp “cài bẫy” phân tử thuốc trong chất gel không phải chỉ có tác dụng với GLP1. Nhiều phân tử thuốc khác cũng có thể áp dụng cơ chế tương tự để tăng được thời gian ảnh hưởng.

Tất nhiên, vẫn cần nhắc lại rằng con đường từ thử nghiệm thuốc trên động vật tới thử nghiệm và thành công trên người thường tốn hàng năm trời. Cho tới thời điểm hiện tại, bệnh nhân tiểu đường vẫn chưa có một loại thuốc nào quản lý được 2 tuần bệnh chỉ với mỗi liều.

Điều trị tiểu đường tiếp tục đòi hỏi một cam kết suốt đời trong việc theo dõi lượng đường huyết, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và sử dụng các loại thuốc tác dụng nhanh khi cần thiết.

GLP1 hiện tại chưa thể trở thành phương pháp điều trị ưu tiên cho người bệnh tiểu đường. Nhưng nghiên cứu mới đã chứng tỏ tiềm năng lớn của loại thuốc này trong tương lai. Rõ ràng, khoa học đang ngày càng giúp bệnh nhân tiểu đường quản lý tốt hơn tình trạng của mình.

Tham khảo ScienceAlert, Medicalnewstoday